Khi lái xe, việc bạn đạp ga cho xe chạy nhanh là điều khá đơn giản. Nhưng làm sao để khối sắt nặng hàng tấn ấy có thể dừng lại an toàn thì lại không hề dễ.
Chiếc xe của bạn được trang bị khá nhiều hệ thống an toàn chủ động lẫn bị động nhằm giúp bảo vệ an toàn cho hành khách trong mọi trường hợp va chạm. Nhưng trước khi phải nhờ tới những thiết bị hiện đại và tốn tiền đó, tốt hơn cả là bạn hãy biết cách đạp phanh an toàn đã.
Hành trình phanh
Hãy thử tưởng tượng, xe bạn đang chạy ở tốc độ 80 km/h thì mỗi giây bạn sẽ di chuyển được khoảng 22 mét. Tuy nhiên, để dừng chiếc xe đó lại, bạn sẽ phải mất hơn 2,5 giây và quãng đường phanh khoảng 30 m. Đó mới chỉ là lý thuyết, trên thực tế còn có nhiều thứ tác động lên quá trình phanh xe khiến cho quãng đường phanh sẽ dài hơn thế nhiều.
Bạn sẽ mất khoảng ¾ giây để nhận thức ra sự cố và não bạn “phát lệnh”. Thêm ¾ giây nữa để chân bạn chuyển từ vị trí chân ga tới vị trí bàn phanh. Điều đó có nghĩa là cho tới khi hệ thống phanh xe bắt đầu hoạt động, bạn đã đi được thêm một quãng đường là 33m và quãng đường từ lúc bạn phát hiện ra sự cố cho tới khi xe dừng hẳn là 63m, gấp đôi chiều dài một sân tennis. Và nếu bạn chạy xe càng nhanh thì quãng đường để phanh còn lớn hơn nhiều.
phanh_xe_o_to_1.jpg
Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố mặt đường cũng sẽ tác động lên quá trình phanh xe. Khi thời tiết xấu, quãng đường phanh của bạn có thể tăng lên gấp nhiều lần. Nếu mặt đường ẩm ướt, bạn có thể mất tới 6,5 giây để dừng chiếc xe lại và quãng đường phanh lên tới gần 100m. Nó tương đương với quãng đường phanh của xe bạn khi chạy với tốc độ 120 km/h trong điều kiện đường khô.
Xem thêm: Cách sử dụng phanh đúng và an toàn trên xe số sàn và số tự động
Vài điều cần nhớ
Mưa hay nắng là việc của ông trời nhưng việc thay đổi kỹ năng lái xe là việc luôn trong tay bạn, để giúp bạn có thêm sự an toàn khi đi đường.
1. Hãy sử dụng loại lốp xe phù hợp với điều kiện đường xá cụ thể. Việc sử dụng loại lốp thích hợp sẽ giúp tăng khả năng vận hành và đảm bảo quãng đường phanh tối ưu. Lốp thường cho đường nhựa sẽ kém hiệu quả trên các địa hình phức tạp, trơn trượt hoặc thậm chí là tuyết hay cát.
2. Giữ khoảng cách với các xe khác. Hãy luôn thực hiện nguyên tắc “3 giây” khi đi trên đường. Nếu thời tiết xấu, hãy tăng khoảng cách này lên để đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ xảy ra va chạm.
Xem thêm: Cách tính khoảng cách phanh an toàn
su-dung-phanh-dung-cach-1-1576172340-width1004height565.jpg
3. Cân nhắc lực quán tính. Xe có trọng lượng lớn hơn có nghĩa là quãng đường phanh cũng dài hơn.Cụ thể hơn, các dòng xe bán tải hay SUV thường phanh “chuồi” hơn rất nhiều so với sedan. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào khả năng của hệ thống phanh. Bản thân nhiều dòng xe nhỏ cũng vẫn có hành trình phanh dài do đĩa phanh bé.
4. Bạn đang lái xe tải hoặc SUV, hãy cân nhắc về tốc độ xe nếu thời tiết xấu. Những loại xe này có trọng tâm xe cao hơn nhiều so với các dòng xe khác, do đó nguy cơ lật xe cũng cao hơn nhiều so với các dòng xe khác khi phải phanh khẩn cấp.
5. Nên chọn những xe có trang bị hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và phân bổ lực phanh điện tử (EBD). ABS giúp bánh xe được phanh – nhả liên tục chống tình trạng bó cứng phanh, chống việc bánh xe bị trượt, nhờ đó rút ngắn tối đa quãng đường phanh. Ngoài ra, phanh đĩa luôn tốt hơn phanh tang trống do khả năng tỏa nhiệt tốt hơn, giảm thiểu khả năng phanh bị bó hoặc chai mặt phanh.
Đạp phanh thế nào?
Trừ trường hợp khẩn cấp bất khả kháng, còn lại, trước khi phanh bạn nên quan sát gương chiếu hậu nếu không muốn xe của bạn bị bẹp “mông” do phanh bất ngờ. Nên cố gắng tránh đạp phanh ở những chỗ xóc, hãy giảm ga và phanh trước lúc đến chỗ xóc. Bằng không, rất dễ xảy ra hỏng phanh.
Đạp mạnh chân phanh và nhả chân khi xe có đấu hiệu trượt, sau đó lại tiếp tục đạp lại cho đến khi xe dừng hoàn toàn. Nên kết hợp việc về số thấp trong quá trình phanh.
Nếu xe được trang bị hệ thống ABS, bạn chỉ việc đạp đủ mạnh trong suốt quá trình phanh nhằm đảm bảo cho hệ thống ABS hoạt động đúng chức năng thiết kế.
Kết luận. Hãy cố gắng chủ động khi lái xe trên đường, kết hợp với kỹ năng lái xe được thực hành thường xuyên, rủi ro là điều bạn có thể giảm thiểu không mấy khó khăn.
Chúc bạn lái xe an toàn!
Xem thêm: Kiểm tra và bảo dưỡng hệ thống phanh trên ô tô
———————————————