Khi xe xảy ra tai nạn, một số hệ thống an toàn trên xe ô tô sẽ được kích hoạt để giúp người trong xe tránh khỏi chấn thương. Mỗi loại xe có cách nhận diện mức độ khác nhau, nhưng chung quy là khi có va chạm nặng, các thiết bị bảo vệ sẽ được kích hoạt để giữ an toàn cho hành khách và tài xế.
Các tính năng an toàn bị động trên ô tô
Những tính năng an toàn hoạt động bị động sẽ chỉ được kích hoạt ngay lập tức sau khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn. Các tính năng an toàn bị động là những tính năng được thiết kế để bảo vệ hành khách trong xe khi có va chạm mạnh, giảm thiểu chấn thương và tỷ lệ tử vong.
Khu vực hấp thụ lực va chạm (Crumple Zone)
Đây là những khu vực ở phía trước và phía sau xe, được thiết kế để biến dạng và hấp thụ lực va chạm, giảm lực tác động đến cabin xe và hành khách. Khu vực hấp thụ lực va chạm có thể làm giảm khoảng 40-50% lực va chạm.
Khung cabin xe
Đây là khung bao bọc xung quanh cabin xe, được làm bằng thép cường lực hoặc nhôm, có vai trò như một lồng thép bảo vệ hành khách. Khung cabin xe được thiết kế để duy trì hình dạng và không gian sống của cabin khi có va chạm.
Cột lái tự sụp
Khi va chạm, cơ thể theo quán tính văng về phía trước. Vị trí ngay ngực tài xế là vô-lăng, nếu để phần ngực tác động mạnh vào vô-lăng sẽ gây ra nhiều chấn thương nguy hiểm, do đó cột lái tự sụp ra đời nhằm giảm thiểu thương vong do va đập vào phần vô-lăng. Thay vì dùng dạng trục đặc, cột lái tự sụp dùng ống lồng ở một số đoạn. Khi xảy ra va chạm ở phía trước, hệ thống lái, bánh bị ép, đoạn ống lồng này bị nén lại, hấp thụ lực, giúp vô-lăng không bị đẩy vào ngực tài xế.
Túi khí (Airbag)
Đây là những túi được gắn ở các vị trí như vô lăng, taplo, cửa sổ hay ghế, được bơm đầy khí nén khi có va chạm để đỡ lấy cơ thể hành khách và giảm thiểu chấn thương. Túi khí được điều khiển bởi một bộ điều khiển túi khí (ACU), nhận tín hiệu từ các cảm biến va chạm. Thời gian phản ứng của túi khí rất nhanh, chỉ khoảng 0,04 giây.
Dây đai an toàn (Seatbelt)
Đây là dây dù được gắn trên ghế xe, có chức năng giữ người ngồi không bị bay ra ngoài khi có va chạm. Dây đai an toàn có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông khoảng 45-50%. Dây an toàn thường có hai loại: dây an toàn hai điểm (chỉ buộc quanh eo) và dây an toàn ba điểm (buộc quanh eo và vai). Dây đai an toàn ba điểm được coi là hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các chấn thương ở ngực và đầu.
Gập ghế đúng vị trí
Một số mẫu xe cao cấp, ví dụ như Mercedes, được trang bị hệ thống tự động dựng thẳng lưng ghế đến vị trí tối ưu, nếu ghế đang trong tình trạng ngả ra khi xảy ra va chạm. Điều này giúp cơ thể không bị trượt khỏi dây an toàn, văng về phía trước.
Cửa mở khóa
Hầu hết các xe hiện nay phải được trang bị tính năng mở cửa tự động trong trường hợp xảy ra tai nạn hay túi khi được kích hoạt. Điều này giúp những người bị nạn trong xe có thể được cứu hộ dễ dàng trong trường hợp bị bất tỉnh. Mặt khác, trên các xe có nút bấm mở cửa điện tử luôn được trang bị lẫy mở cửa cơ học truyền thống ở bên trong, nhằm giúp hành khách có thể thoát khỏi xe trong trường hợp hệ thống điện không còn hoạt động.
Đèn Hazard kích hoạt
Đèn cảnh báo nguy hiểm (hazard) sẽ tự động kích hoạt trong trường hợp xe phanh gấp hoặc xảy ra va chạm, cảnh báo các phương tiện đang lưu thông trên đường về mối nguy hiểm ở phía trước.
Cần gạt mưa bật
Tình trạng cần gạt mưa hoạt động khi xe xảy ra va chạm là điều hay xảy ra. Lý do là vì vị trí cần gạt mưa thường được bố trí sau vô-lăng, là vị trí dễ bị tác động của ngoại lực, hoặc lực quán tính từ tay tài xế khiến vô tình đẩy vào cần khi có va chạm xảy ra. Một số trường hợp va chạm có nước, dầu, chất lỏng bắn lên bề mặt kính xe cũng có thể kích hoạt hệ thống gạt mưa tự động.
Động cơ trượt dưới khoang hành khách
Động cơ xe thường có trọng lượng trung bình từ 140-320 kg, đặt trực diện phía trước tài xế và hành khách. Để ngăn ngừa trường hợp động cơ biến thành “quả đạn” nặng hàng trăm ký lao thẳng vào khoang lái khi va chạm mạnh, phần khung sườn được thiết kế, tính toán kỹ để khi đầu xe bị ép, đoạn khung gắn động cơ sẽ bị bẹp chéo xuống, khiến khối động cơ trượt phía dưới khoang hành khách, thay vì bị ép ngang. Hầu hết các khung xe mới hiện nay đều được thiết kế với tính năng an toàn này.
Các tính năng an toàn chủ động trên ô tô
Những tính năng công nghệ thuộc nhóm chủ động bảo vệ an toàn sẽ tự động giúp tài xế giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc va chạm bằng các biên pháp cảnh báo hoặc ngăn chặn. Các tính năng an toàn chủ động trên ô tô là những tính năng được thiết kế để hỗ trợ người lái trong việc điều khiển xe, nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn, chấn thương khi lái xe.
Những hệ thống an toàn này sẽ tự động vận hành, chủ động hoạt động thường dựa trên các cảm biến, camera, radar hoặc các công nghệ thông minh khác để phát hiện và cảnh báo các tình huống nguy hiểm, hoặc can thiệp vào hệ thống lái, phanh, động cơ để điều chỉnh xe.
Hệ thống phanh khẩn cấp tự động (Autonomous Emergency Braking – AEB)
Đây là một tính năng an toàn chủ động quan trọng, có khả năng tự động phanh xe khi có nguy cơ va chạm với các phương tiện, người đi bộ, vật cản hay động vật trên đường. Hệ thống AEB sử dụng các cảm biến radar, laser và camera để quét đường đi phía trước và cảnh báo tài xế. Nếu tài xế không phản ứng kịp thời, hệ thống sẽ tự động phanh xe.
Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control – ACC)
Đây là một tính năng an toàn chủ động giúp tăng thêm sự thuận tiện và thoải mái cho người lái. Hệ thống ACC sử dụng các cảm biến dựa trên camera hoặc radar nhằm giảm hoặc duy trì tốc độ xe thông qua phân tích tốc độ của phương tiện phía trước. Hệ thống ACC có thể tự động dừng và khởi động xe trong điều kiện giao thông đông đúc.
Hệ thống chống bó phanh (Anti-lock Braking System – ABS)
Đây là một tính năng an toàn chủ động giúp ngăn chặn bánh xe bị khóa cứng khi đạp phanh mạnh, dẫn đến hiện tượng trượt đuôi xe hay mất lái. Hệ thống ABS sẽ điều chỉnh lực phanh cho từng bánh xe riêng biệt, giúp xe duy trì ổn định và dễ dàng điều khiển hơn.
Hệ thống cân bằng điện tử (Electronic Stability Control – ESC)
Đây là một tính năng an toàn chủ động giúp duy trì sự ổn định của xe khi có va chạm hay mất lái. Hệ thống ESC sử dụng các cảm biến để xác định được độ trượt của bánh xe và xu hướng tiếp theo của xe. Khi phát hiện tình trạng mất ổn định, hệ thống sẽ can thiệp bằng cách phanh từng bánh xe tự động hoặc ngắt momen xoắn truyền từ động cơ đến các bánh xe.
Hệ thống hỗ trợ lái tự động (Active Steering Assist)
Đây là một tính năng an toàn chủ động mới sử dụng cảm biến giống như công nghệ AEB. Nó được thiết kế khả năng tự động điều khiển xe để tránh tai nạn sắp xảy ra nếu hệ thống nhận thấy kích hoạt AEB chưa đủ để ngăn va chạm. Hệ thống này cũng hỗ trợ giữ cho xe không đâm vào các vật thể bên đường như lan can nếu người lái xe bị xao nhãng.
Hệ thống kiểm soát điểm mù (Blind Spot Monitor)
Hệ thống hoạt động dựa trên radar này có thể phát hiện phương tiện đang tiến đến từ phía sau trong phạm vi khuất tầm mắt sau bạn và phát ánh sáng màu đỏ hoặc vàng cam trên kính cửa tương ứng với bên xác định phương tiện đó. Một số loại tiên tiến hơn có thể cảnh báo người lái nên đổi làn hay không trong khi loại cấp cao hơn nữa thậm chí có thể ngăn đổi làn.
Trong thời đại hiện nay, hệ thống radar đang ngày càng cải tiến nên BSM có thể phát hiện vật thể tiến đến từ phía sau khi đang di chuyển với tốc độ cao và với khoảng cách xa hơn. Đặc điểm này tạo điều kiện hơn cho người lái tránh nguy cơ va chạm khi đổi làn.
Hệ thống cảnh báo va chạm cắt ngang (Cross Traffic Alert)
Hệ thống này xác định các phương tiện, người đi xe đạp hoặc người đi bộ di chuyển đến từ bên phải hoặc bên trái xe. Đây là công nghệ tích hợp được trên hầu hết mọi loại xe nhằm hỗ trợ phát hiện nguy hiểm khi quay đầu và có tên gọi là hệ thống cảnh báo giao thông cắt ngang phía sau. Ngoài ra, loại công nghệ cảnh báo giao thông cắt ngang phía trước cũng đang ngày càng trở nên phổ biến.
Tính năng phát hiện người lái mệt mỏi (Fatigue Detector)
Các mẫu máy phổ biến có thể giám sát hoạt động của người lái thông qua chân ga và vô-lăng cũng như đo lường thời gian lái xe và phát hiện hành vi bất thường thể hiện tình trạng mệt mỏi. Nếu chiếc xe “nghĩ” rằng bạn đang lái một cách chập choạng, nó sẽ kích hoạt chuông báo và hiển thị tin nhắn gợi ý bạn nghỉ ngơi.
Phiên bản hệ thống EyeSight mới nhất của Subaru thậm chí sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để xác định hoạt động mắt của người lái và sẽ cảnh báo họ chú ý hoặc nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, công nghệ này có thể nhận diện tới 5 người lái và sẽ thay đổi tư thế ghế và vị trí kính phù hợp với từng người.
Hệ thống cảnh báo va chạm trước (Forward Collision Warning)
Tương tự như AEB, hệ thống này sử dụng radar hoặc cảm biến thông qua camera để giám sát tốc độ sát lại giữa xe và phương tiện khác hoặc vật thể, người đi bộ phía trước nhằm cảnh báo bạn về va chạm sắp xảy ra. Nếu hệ thống phát hiện nguy cơ va chạm, nó sẽ cảnh báo người lái thông qua âm thanh và đèn nháy trên bảng đồng hồ hoặc chiếu lên kính chắn gió. Tính năng này khác với AEB ở chỗ nó chỉ đơn thuần cảnh báo người lái chứ không tự động phanh xe lại.
Hệ thống hỗ trợ nhận diện biển báo giao thông (Traffic-Sign Assist)
Hệ thống sử dụng camera để đọc biển báo tốc độ và cung cấp cho người lái thông tin về giới hạn tốc độ và cảnh báo nếu xe đi quá nhanh. Trên một số mẫu xe như Holden Acadia, công nghệ này có thể kết hợp với chức năng giới hạn tốc độ để duy trì xe không vượt giới hạn tốc độ.
Hệ thống hỗ trợ tốc độ (Intelligent Speed Assist)
ISA là công nghệ đảm bảo an toàn sử dụng dữ liệu định vị GPS để xác định giới hạn tốc độ và cảnh báo nếu bạn vượt quá mức cho phép. Hệ thống này có thể kết hợp với hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng nhằm điều chỉnh tốc độ của xe phù hợp với giới hạn tốc độ.
Hệ thống cảnh báo rời làn (Lane-Departure Alert)
Công nghệ này sử dụng camera hướng xuống dưới trên kính cửa nhằm nhận dạng dấu làn đường và sẽ phát ra âm thanh hoặc rung vô-lăng khi phát hiện xe đi chệch làn. Đối với mẫu Holden Acadia, hệ thống có thể kích hoạt rung nhẹ ghế của người lái để cảnh báo. Nó hoạt động với cả làn ở giữa và 2 bên.
Hệ thống hỗ trợ giữ làn (Lane Keep Assist)
Hệ thống này vận hành dựa trên hệ thống cảnh báo rời làn bằng cách điều khiển phương tiện từ từ di chuyển lại vào trong làn đường và duy trì xe giữa các làn khi đi trên đường cao tốc. Tuy nhiên, nó sẽ không kiểm soát khi bạn chủ động lái và sẽ tự vô hiệu hóa nếu bạn rời tay khỏi vô-lăng trong khoảng thời gian được xác định trước nhằm ngăn kích hoạt chế độ lái tự động.
Hệ thống đảm bảo an toàn trước khi xảy ra va chạm (Pre-crash Safety System)
Khi phát hiện một va chạm sắp xảy ra, hệ thống này sẽ kích hoạt các thiết bị an toàn như bộ căng dây đai nhằm giảm thiểu tác động của va chạm. Một số dòng xe thậm chí sẽ tự động đóng cửa sổ để ngăn người ngồi bị bật ra khỏi xe và điều chỉnh ghế ngồi để đảm bảo độ bảo vệ tối đa của túi khí. Công nghệ này vận hành bằng cách sử dụng các cảm biến như AEB, hoặc đơn giản khi người lái có hành động đột ngột như phanh hoặc bẻ lái gấp.