Người ta thường nói: đi xe đạp bằng chân, đi xe máy bằng tay và đi ô tô bằng đầu,.. Và việc lái xe ô tô đi cạnh các xe cỡ lớn, “hung thần container” luôn là nỗi ám ảnh cho các lái xe. Kèm theo đó, độ nguy hiểm khi xảy ra tai nạn giữa xe cỡ lớn, xe container so với các loại xe khác cũng cao hơn. Vậy, làm thế nào lái xe an toàn bên cạnh xe cỡ lớn?
Những vụ tai nạn xảy ra thường do một số nguyên nhân như vượt xe ở vị trí khuất tầm nhìn, thiếu quan sát, không làm chủ được tốc độ trong quá trình di chuyển. Bạn điều khiển bằng ô tô hay xe máy thì việc đi bên cạnh xe tải lớn hoặc xe container luôn ẩn chứa nhiều rủi ro.
Một nghiên cứu lại chỉ ra rằng 72% tai nạn liên quan tới xe tải lại do lỗi của phương tiện khác. Lý do đơn giản bởi vì hầu hết tài xế không biết lái xe như thế nào cho an toàn khi đi bên cạnh xe tải. Đây có thể coi là những bài học xương máu cho những tài xế nếu không muốn cái chết rình rập. Những kinh nghiệm lái xe chia sẻ sau sẽ giúp bạn có những chuyến đi an toàn.
Giữ khoảng cách an toàn, thói quen cần nhớ
Có một sự thật mà đa số những người lái xe đều dễ dàng nhận thấy là khi chúng ta giữ khoảng cách với xe phía trước, thường hay bị các xe thiếu ý thức khác chen vào hoặc tạt đầu để giành đường (điền vào chỗ trống). Điều này khiến nhiều bác tài khó chịu và sẽ phớt lờ quy luật giữ khoảng cách giữa các xe, để bám đuôi theo sau các xe trước nhằm không bị người khác chen ngang.
Việc duy trì khoảng cách an toàn sẽ giúp cho các lái xe có đủ thời gian đạp phanh, dừng xe hoặc chuyển làn mà không xảy ra va chạm, thậm chí việc giữ khoảng cách cũng tạo tầm nhìn quan sát tốt cho lái xe vì không bị xe trước che khuất tầm nhìn.
Có hàng tấn lý do để bạn không nên lái xe cạnh xe tải bởi xung quanh “gã khổng lồ” này đầy rẫy những nguy hiểm:
Nổ lốp
Việc nổ lốp vẫn thường xảy ra ở những chiếc xe tải cỡ lớn. Chiếc xe tải khi chở hàng có trọng lượng trung bình 36 tấn hoặc hơn. Bạn có thể tưởng tượng được rằng áp lực lớn như thế nào đè lên bánh xe? Những chiếc lốp này thực sự là quả bom nổ chậm. Bạn không thể biết rằng khi nào bánh xe nổ và có thể thổi bay bạn. Đó là chưa kể tới việc xe chệch hướng khi bị nổ lốp.
Khó điều khiển
Những chiếc xe tải có diện tích bề mặt lớn, chính bởi vậy rất khó để kiểm soát chúng về mặt khí động, đặc biệt khi những những xe này không chở hàng. Vì vậy, người khổng lồ có thể “dạt nhầm” vào phần đường của bạn do ảnh hưởng của sức gió.
Điểm mù ở mọi nơi
Nếu chiếc xe bốn bánh của bạn có những điều mù thì xe tải cũng có điểm mù và chúng còn nhiều hơn. Phía bên ghế phụ có điểm mù rộng hơn so với ghế tài xế. Vì vậy, hãy nhanh chóng đi lên phía trước xe tải, hoặc tụt hẳn phía sau, chứ đừng đi xung quanh nó. Tài xế xe tải không biết bạn đang ở đâu đâu.
Không chạy bám theo xe lớn
Đây là một trong những nguyên tắc lái xe ô tô mà những ai lái xe ô tô đều cần phải chú ý. Bởi việc chạy bám xe sẽ gây những hậu quả khôn lường cho bạn và những người thân của bạn. Lý do là do bản thân kích thước của xe container khá lớn nên khi bạn bám đuôi phía sau sẽ dính ngay điểm mù lớn của xe tải, chỉ cần xe giảm tốc đột ngột hoặc thắng gấp của sẽ khiến bạn không kịp xử lý và gây va chạm.
Việc tham gia giao thông ở trong thành phố, thói quen bám xe khác có thể không quá nguy hiểm vì tốc độ không cao nhưng nếu mang thói quen này đi ra cao tốc, quốc lộ hay xa lộ (nơi mà tốc độ thường ở mức 80 – 100km/h, thậm chí là 120km/h) thì lại vô cùng nguy hiểm, vì lúc này bạn không thể làm chủ được tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ngay cả khi bạn phải phanh gấp với tốc độ cao thì phải mất một đoạn để xe có thể dừng lại. Hay thậm chí trong tình huống một xe phanh gấp dẫn đến các xe phía sau không xử lý kịp và tạo nên các vụ va chạm liên hoàn, dồn toa…
Khi đi trên đường cao tốc, bạn nên cố gắng cách xa các loại xe lớn. Hạn chế việc đi bám đuôi xe tải lớn. Nếu bắt buộc phải đi sau xe tải lớn, bạn có thể cố gắng để người lái xe container có thể thấy mình ở gương chiếu hậu hai bên.
Tuyệt đối không cắt đầu, tạt đầu xe lớn
Trong những điều lưu ý khi lái xe ô tô, điều bạn cần thiết chú ý đó là không được chạy trước mặt cũng như là cắt đầu phía trước xe container. Nếu lúc lưu thông xe, chỉ với một phút lơ là với quyết định sai lầm có thể gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng.
Cụ thể, xe container phanh hoàn toàn không như xe con. Xe con hiện đại sẽ dùng phanh đĩa thủy lực không có độ trễ và có khả năng phanh từ 96 km/h về 0 trên quãng đường dưới 40m. Xe container dùng phanh hơi tang trống, độ trễ lớn và nếu đầy tải sẽ mất 160m để dừng hẳn từ tốc độ 96 km/h. Tuy nhiên, trong thử nghiệm thực tế ở tốc độ 88 km/h, xe con cần 58m để phanh dừng hẳn. Như vậy xe container mất trung bình từ 100m đến 130m (tùy điều kiện má phanh nóng hay nguội) để dừng hẳn (gấp đôi so với xe con).
Thêm nữa, ở tốc độ 50 km/h, người lái xe tải chỉ bắt đầu phanh sau khi xe đã đi được 21m từ khi nhìn thấy xe khác tạt đầu, 25m ở tốc độ 60 km/h; 28m ở tốc độ 70 km/h và 34m ở 80 km/h. Bên cạnh đó, nếu phanh gấp và đánh lái gấp, chiếc xe chuyển hướng nhưng lực quán tính vẫn đẩy rơ-móoc chạy thẳng. Dẫn đến chiếc xe bị lật và “dẫm nát” những vật bên cạnh xe.
Không chạy song song với xe cỡ lớn
Ở bên cạnh các khoảng xe container lưu thông rất dễ gặp những tình huống oái ăm, không xử lý kịp khi xe tải đánh lái. Bên cạnh đó, xe container cũng có một phần khoản mù khá lớn ở 2 bên xe, khiến việc lái xe song song với xe tải lớn lại càng nguy hiểm hơn cả, tai nạn do xe container gây ra thường rất nặng nề hơn hẳn các loại xe khác. Chính vì đó, bạn cần tránh đường và hạn chế phải đi song song với container để tránh trường hợp bị cướp làn, hoặc những tình huống cua xe không thể xử lý kịp.
Nếu phải vượt, hãy vượt dứt khoát
Những chiếc xe tải lớn cũng như xe container có chiều dài rất lớn, gấp nhiều lần xe con. Bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn trong quá trình vượt xe, điều này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn hơn.
Trong trường hợp bắt buộc phải vượt xe container, xe moóc…, đầu tiên bạn cần có chuẩn bị thật kỹ để có thể tăng tốc vượt xe: Điều kiện phía trước có xe đi ngược chiều không? Khoảng trống phía trước có đủ để đảm bảo xe bạn vượt lên mà không có điều gì bất trắc xảy ra.
Nếu phía trước là các giao lộ, các đoạn được nhánh thì tốt hơn hết là đừng vượt, bởi bạn sẽ không biết điều gì xảy ra khi tầm nhìn bị hạn chế… Quan trọng hơn, hãy bình tĩnh xử lý tình huống, đừng cố vượt khi xe phía trước chưa sẵn sàng nhường đường.
Khi vượt xe, bạn cần thu hút sự chú ý của lái xe phía trước bằng đèn pha, còi, và nhớ sử dụng đèn báo rẽ để xin vượt; điều này giúp lái xe phía trước biết được xe bạn đang ở vị trí nào để có những cách xử lý tình huống đảm bảo an toàn cho cả hai.
Nếu bạn muốn vượt hai xe cùng lúc hãy cân nhắc kỹ bởi trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn. Trường hợp thực sự phải vượt, hãy cảnh giác và đánh giá tình huống (tốc độ, khoảng trống…) thật cẩn thận.
Nên nhường xe tải, đặc biệt khi lên dốc, vào cua
Khi lên dốc, xe tải cần nhiều đà để duy trì vận tốc và lên dốc ổn định. Không gì nguy hiểm hơn việc khiến một chiếc xe tải chở nặng chết máy giữa dốc, do vậy, bạn nên chủ động nhường và tránh xe khi xe tải đang lên dốc
Tương tự, khi rẽ, vào cua, những chiếc xe tải cần nhiều không gian để rẽ. Hầu hết những vụ tai nạn xảy ra liên quan tới xe tải đều trong lúc xe tải rẽ. Đặc biệt khi rẽ phải, tài xế sẽ phải đánh lái nhiều sang làn bên trái để tạo nhiều không gian hơn khi rẽ phải. Nếu cố chen lên bên phải một chiếc xe tải đang rẽ phải, lúc này bạn sẽ bị tắc ở giữa lề đường và xe tải. Trong khi rẽ, tất cả những gì tài xế có thể nhìn chính là chiếc xe tải của anh ta, còn lại những phương tiện khác đều biến mất khi bị ép phía bên phải. Chính bởi vậy, phía bên phải xe tải cực kỳ nguy hiểm.
Quy tắc “3 giây”
Là khoảng thời gian cần thiết để lái xe dừng xe an toàn sau khi đạp phanh, dựa trên các tính toán tổng hợp về tốc độ phản xạ của người lái, quán tính của xe sau khi phanh để xe có thể dừng lại hoàn toàn và tránh được va chạm. Quy tắc này dựa trên đường tiêu chuẩn và điều kiện thời tiết tốt.
Nhưng nếu gặp thời tiết xấu, tầm quan sát của lái xe bị hạn chế do trời mưa, sương mù… bắt buộc phải tăng gấp đôi thời gian lên, bằng cách kéo dài khoảng cách đối với xe phía trước.
Hầu hết trên đường cao tốc hay quốc lộ đều có biển báo nhắc nhở cũng như miêu tả khoảng cách để lái xe căn cứ vào đó duy trì khoảng cách an toàn. Song, không phải lúc nào lái xe cũng có thể nhìn thấy những bảng hiệu này.
Do vậy mà trong Luật cũng đã quy định rõ về khoảng cách tối thiểu mà các xe cần giữ khoảng cách. Theo Điều 12 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT, khoảng cách an toàn giữa 2 xe (kể cả ô tô, xe máy) phụ thuộc vào tốc độ lưu hành, cụ thể:
#Lưu ý: trong điều kiện thời tiết xấu có mưa, sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, lái xe nên điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo.