Không cài dây an toàn, không bật đèn báo khi rẽ, sử dụng điện thoại khi lái xe,… chính là những thói quen lái xe nguy hiểm. Bài viết bên dưới sẽ gửi đến bạn một số điều cần lưu ý để giúp các tài xế ô tô lái xe an toàn hơn. Cùng thongtinxe tham khảo ngay sau đây!
Một số lưu ý giúp tài xế ô tô lái xe an toàn hơn
Khi điều khiển xe ô tô tham gia giao thông có nghĩa là bạn cần có trách nhiệm đối với tính mạng, sức khỏe của chính bản thân cũng như với những người tham gia giao thông khác. Dưới đây là một số nguyên tắc đơn giản mà bạn nên “thuộc nằm lòng” mỗi khi ngồi sau vô lăng để giúp việc lái xe an toàn hơn:
- Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và bên hông. Tuyệt đối không được chạy quá sát các phương tiện khác, đặc biệt là các loại xe tải.
- Hãy thận trọng hơn và tăng khoảng cách giữa các xe khác, đặc biệt là về ban đêm, khi thời tiết xấu, vào giờ cao điểm,khi định đổi làn đường và tiến vào gần nơi giao nhau.
- Không lái xe trong tình trạng mệt mỏi, say rượu.
- Nghiêm chỉnh chấp hành sự hướng dẫn của người điều khiển giao thông
- Luôn lái xe ở thế phòng vệ để có thể chủ động tránh tai nạn và sẵn sàng xử lý các tình huống nguy hiểm.
- Nghiêm chỉnh chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu đường bộ và luật giao thông đường bộ.
- Chủ động thông báo trước ý định điều khiển xe của mình cho người cùng tham gia giao thông biết như: bật xi nhan hoặc bật đèn cảnh báo.
- Luôn ý thức được rằng bạn đang dùng chung đường với những người tham gia giao thông khác (người đi bộ, chăn thả súc vật, đi xe máy…).
- Không nên nhìn chăm chú vào một vị trí, một người hay một vật quá lâu.
- Chủ động quan sát các phương tiện đang áp sát, chạy ra từ trong hẻm hay các khu vực đông đúc.
Những thói quen lái xe nguy hiểm khi điều khiển ô tô nên tránh
Không thắt dây an toàn
Không thắt dây an toàn là một trong những thói quen nguy hiểm khi điều khiển xe ô tô lưu thông trên đường. Theo điểm p khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường.
Bên cạnh đó, việc không thắt dây an toàn khi lái xe còn khiến cho chính tài xe gặp nguy hiểm nếu chẳng may xảy ra va chạm giao thông. Do đó, để đảm bảo việc lái xe an toàn, bạn cần phải luôn ghi nhớ cài dây an toàn đầy đủ cho mọi người trên xe trước khi di chuyển.
Chạy ngược chiều
Rất nhiều trường hợp người điều khiển ô tô chạy ngược chiều, đây là một hành động rất nguy hiểm có thể dễ dẫn đến tai nạn, đồng thời khiến cho tài xe bị xử phạt bởi cảnh sát giao thông.
Theo quy định tại Điểm C Khoản 11 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định (điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm đ khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Đồng thời, tài xế cũng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Sử dụng điện thoại khi lái xe
Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã có luật cấm sử dụng điện thoại khi đang lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa thực hiện đúng quy định này. Theo CDC ước tính rằng 3.000 người chết mỗi năm vì nhắn tin khi đang lái xe.
Việc sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô là một thói quen lái xe rất nguy hiểm. Bởi điều này có thể khiến bạn không kịp phản ứng trước các tình huống bất ngờ trên đường và gây ra tai nạn, ảnh hưởng đến người khác. Do đó, để việc lái xe an toàn, bạn nên trang bị thêm một số phụ kiện như giá đỡ điện thoại để có thể nghe, gọi điện hay trả lời tin nhắn, xem bản đồ khi đang lái xe một cách an toàn nhất.
Vượt đèn đỏ
Chắc chắn rồi, vượt đèn đò là một trong những thói quen lái xe nguy hiểm nhất. Hành động này không chỉ gây mất an toàn cho bản thân bạn mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người tham gia giao thông khác. Do đó, để việc lái xe an toàn bạn nên tuân thủ và chấp hành nghiêm các tín hiệu đèn báo giao thông.
Ngoài ra, hành vi lái xe vượt đèn đỏ cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối với pháp luật. Theo đó, người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; Đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông.
Chạy sai làn đường
Theo quy định tại điểm a, khoản 7 Điều 5 và điểm c Khoản 11 Điều 5 của Nghị định 100/2019, lái xe ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều) có thể bị phạt tiền tư 4 – 6 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Trong khi đó, nếu đi sai làn đường và gây tai nạn thì có thể bị phạt từ 10 – 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Việc điều khiển ô đi sai làn đường là một lỗi khá phổ biến của cánh tài xế cả người mới lẫn người đã có kinh nghiệm. Thói quen lái xe nguy hiểm này có thể khiến bạn bị phạt nặng, nhưng trên hết sẽ rất dễ gây tai nạn, ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác. Vì vậy, để lái xe an toàn, hãy đi đúng làn đường quy định đồng thời thường xuyên quan sát các bảng chỉ dẫn để tránh bị phạt.
Uống rượu bia khi lái xe
Trong nhiều năm trở lại đây, số vụ tai nạn giao thông mà người gây tai nạn say rượu gây nên có xu hướng tăng lên đáng kể. Do đó, việc lái xe trong khi đã uống rượu bia là một thói quen cực kỳ nguy hiểm, gây mất an toàn khi lái xe.
Bên cạnh đó, kể từ khi nghị định 100 chính thức có hiệu lực, mức phạt dành cho những tài xế có nồng độ cồn trong cơ thể khi lái xe là rất cao và có thể bị phạt hình sự nếu như gây tai nạn nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo việc lái xe an toàn, nếu như bạn đã “quá chén” với bạn bè, đồng nghiệp hay khách hàng thì tuyệt đối không được lái xe, bạn có thể nhờ người thân đưa về hoặc sử dụng các dịch vụ taxi để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người khác.
Áp sát xe khác
Rất nhiều tài xế có thói quen lái xe áp sát xe khác. Việc không giữ khoảng cách đủ lớn đối với xe chạy phía trước, sau hay hai bên hông có thể khiến bạn không kịp xử lý nếu chẳng may phương tiện phía trước thắng gấp, chuyển làn,…
Do đó, việc giữ khoảng cách an toàn với các phương tiện khác là một điều rất quan trọng để lái xe an toàn hơn. Đồng thời, giúp các tài xe có đủ thời gian, không gian để xử lý các tình huống bất ngờ, hạn chế được những rủi ro tai nạn tiềm ẩn.
Một số mẹo để giữ khoảng cách an toàn với xe khác dựa trên tốc độ đang chạy mà bạn có thể tham khảo như sau:
- Nếu vận tốc bằng 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m.
- Nếu vận tốc trên 60 – 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m.
- Nếu vận tốc từ trên 80 – 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m.
- Nếu vận tốc từ trên 100 – 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m
Sử dụng đèn pha không đúng cách
Vấn đề sử dụng đèn pha không đúng cách như bật pha vào xe đối diện, bật pha khi đi vào các đoạn đường đông đúc, đủ ánh sáng,… cũng là một trong những thói quen lái xe nguy hiểm, gây mất an toàn cho những phương tiện khác.
Bởi việc bật pha quá mức cần thiết có thể khiến các phương tiện đối diện bị chói mắt và không thể quan sát được phía trước. Trong khi đó, nếu bật pha từ phía sau cũng sẽ khiến cho phương tiện chạy trước không thể quan sát được gương chiếu hậu. Chính vì vậy, để lái xe văn minh và an toàn hơn, bạn cần hết sức chú ý trọng việc sử dụng đèn pha ô tô.
Gác chân lên bảng điều khiển
Đặt chân lên bảng điều khiển ô tô là một hành động có thể gây nguy hiểm trong khi lái xe. Trên hầu hết các mẫu xe hiện nay, túi khí thường được đặt bên dưới khu vực taplo của xe để bảo vệ an toàn cho người ngồi khi có va chạm.
Việc đặt chân lên bảng điều khiển có thể khiến cho người ngồi trên xe gặp phải nguy hiểm lớn hơn nếu như túi khí phát nổ khi xe va chạm. Do đó, để lái xe an toàn, bạn nên tuân thủ đúng các quy định cũng như ngồi ngay ngắn, đúng tư thế để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra.
Không bật đèn báo rẽ
Có không ít tài xế khi rẽ phải hay rẽ trái thường không bật đèn báo rẽ (xi-nhan). Điều này là một thói quen lái xe nguy hiểm, có thể khiến cho các phương tiện chạy phía sau không kịp phản ứng và gây tai nạn.
Chính vì vậy, để việc lái xe an toàn hơn, bạn cần chú ý quan sát gương chiếu hậu và bật tín hiệu xi-nhan mỗi khi chuẩn bị rẽ để cho các xe phía sau biết được.
Bên trên là những thói quen xấu có thể gây tai nạn giao thông mà các lái xe cần phải hạn chế để đảm bảo an toàn cho quá trình tham gia giao thông. Hy vọng bài viết sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
- Camera hành trình là gì? Có nên lắp đặt cho xe ô tô không?
- Những mẫu mô tô thể thao cổ điển của Honda có giá bán lại đắt gấp nhiều lần mua mới
- Cách thay túi khí trên xe ô tô an toàn và đơn giản
- Bảo dưỡng ô tô chính hãng hay gara bên ngoài sẽ tốt hơn?
- Thông số kỹ thuật Hyundai SantaFe: Kích thước và động cơ vận hành