Người chạy xe máy có thể bất chợt quay đầu. Xe tải mình đang vượt có thể bất thần lấn trái để né một ai đó. Người đi bộ có thể bất chợt nhảy ra từ phía con lươn thiếu quan sát. Một xe ô tô đâm sầm từ đường nhánh đi ra, một chiếc xe máy không đèn lao xéo trên đường trong đêm…
Hãy nhớ rằng bạn không phải chứng tỏ điều gì với những người tham gia giao thông khác. Đường phố không phải dành cho việc đua xe, và bạn bè bạn sẽ không ấn tượng nếu bạn bị tai nạn trong khi cố gắng chứng minh kỹ năng lái xe của mình.
Trong một số trường hợp, việc này có thể dẫn đến tử vong hoặc bị thương nghiêm trọng. Do đó, cố gắng đừng trở thành một trong số những người đó.
Muốn lái xe an toàn: Đòi hỏi ở bạn điều gì?
Làm thế nào để điều khiển chiếc xe giảm thiểu tối đa khả năng mất an toàn, mất kiểm soát là một câu hỏi với nhiều bạn… Các chuyên gia An Toàn Giao Thông (ATGT) có lời khuyến cáo anh em lái xe ô tô, nhất là các bạn trẻ, các bạn mới biết lái chưa có kinh nghiệm
- Quan trọng nhất là bạn phải qua trường đào tạo (khi thi cấp GPLX) hoặc tự học, nghiêm túc nghiên cứu, rút kinh nghiệm để bạn có kiến thức kỹ thuật điều khiển phương tiện đạt trình độ cao với loại xe mình lái. Đây là yếu tố đầu tiên đảm bảo lái xe an toàn.
- Bạn phải có khả năng phán đoán và đánh giá đúng tình huống gặp trên đường khi lái xe, đặc biệt ứng dụng tốt lúc qua giao lộ hoặc tránh xe ôtô ngược chiều. Đây là tố chất số 1 đòi hỏi phải có ở người lái xe.
- Người cầm lái càng cẩn thận và bình tĩnh thì lái xe càng an toàn, nhất là trong trường hợp gặp sự cố hiểm nghèo “bất khả kháng” sẽ giúp bạn biết “chọn tai nạn” để giảm thiểu thương vong, hạn chế va đập hư hại phương tiện. Đức tính này là tố chất quan trọng số 2 của người tài xế giỏi.
- Phương pháp tốt nhất bảo đảm sự minh mẫn và phản xạ nhanh nhạy cho người lái chính là sự luôn sẵn sàng của toàn bộ cơ thể, hay cụ thể hơn là tư thế ngồi hợp lý. Lưu ý không ngồi trong tư thế “co ro” và phải “lắng nghe” chiếc xe của mình bằng cả cơ thể, ví dụ, vòng cua quá gấp sẽ được các cơ hông cảm nhận đầu tiên. Chính vì vậy người lái phải ngồi trong tư thế thoải mái, nhưng không quá “thư giãn” để mất đi cảm nhận từ xe và mặt đường một cách kịp thời.
- Thực hiện rẽ trái đảm bảo an toàn tại ngã tư đông xe: Bạn không vội vã quay vô lăng, lúc nhường các xe chạy ngược chiều nên giữ vị trí bánh xe thẳng, vì nếu bánh xe quay sang trái thì khi chẳng may bị đâm từ phía sau, xe bạn sẽ bị hất sang làn đường của xe ngược chiều và tai nạn khó tránh khỏi. Đây là một trong các nguyên tắc an toàn cơ bản của kỹ thuật lái xe.
Lái xe vượt qua vùng nước ngập an toàn
- Trước khi chiếc xe ô tô tiếp cận con đường bị ngập nước, hãy giảm tốc độ hoặc dừng hẳn
- Trước khi cho xe lội nước, hãy bật đèn báo nguy hiểm và đèn chiếu sáng để có thể tăng mức độ đánh giá độ sâu của mực nước
- Tắt điều hòa vì cánh quạt hút gió hoạt động khi xe ngập nước sẽ dẩn nước vào sâu hơn trong khoang động cơ. Đồng thời chuyển về số 1 (xe số sàn) hoặc số tay về mức thấp (xe số tự động) D1 hoặc L1 và cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể
- Hạ cửa kính ô tô xuống một ít để không khí lưu thông khi bạn đã tắt điều hòa và quạt gió
- Cố gắng không đi quá nhanh để tránh tình trạng nước tràn qua khe hở họng gió và nắp ca pô, khoang động cơ, nhưng cũng không nên đi quá chậm và ga không đều, có thể nước tràn vào ống xả gây chết máy
- Khi đã đi qua chỗ ngập nước, bạn cần đi tiếp một đoạn, rà phanh để loại bớt nước trên đĩa phanh, sau đó xuống kiểm tra lại động cơ, gầm xe.
- Trường hợp đi vào vùng ngập nước và xe bị chết máy, cách tốt nhất là gọi cứu hộ kéo xe về hãng hay gara để kiểm tra, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ vì sẽ gây ra tình trạng thuỷ kích, thiệt hại sẽ rất lớn
- Khi xe bị chết máy, bạn hãy quan sát xem mực nước có vượt qua mép sàn xe hay chưa, nếu cao hơn thì không nên mở cửa, nước sẽ tràn vào bên trong, làm hư các hệ thống điện tử, nội thất bên trong xe.
Những lưu ý giúp bạn lái xe an toàn hơn
Chỉnh gương chiếu hậu giảm thiểu điểm mù
Nếu hình ảnh ở gương chiếu hậu ngoài phần lớn là hông xe của chính bạn thì có nghĩa bạn chỉnh chưa đúng. Nên ghi nhớ những vị trí đơn giản như ảnh.
Xoay bàn chân kiểu chữ V
Vị trí để chân hợp lý là chân trái trên côn hoặc bệ đỡ trên xe số tự động. Đặt cố định gót chân phải, xoay kiểu chữ V di động giữa hai bàn đạp phanh, ga.
Lùi chuồng chính xác
Sở hữu kỹ năng lùi chuồng thành thạo là một lợi thế lớn với các tài xế, đặc biệt ở những đô thị đông đúc, nơi không gian đỗ xe thường hạn chế. Lùi chuồng giỏi sẽ giúp bạn không sợ những bãi đỗ dường như lúc nào cũng chật kín, hoặc những vị trí đậu xe khó. Cảm biến đỗ xe, camera lùi có thể là những trợ thủ đắc lực.
Biết cách xử lý khi xe bị trượt bánh
Ô tô bị trượt bánh trước (Understeer) hay trượt bánh sau (Oversteer) khi vào cua đều là những trường hợp nguy hiểm. Nếu đang lái xe trên đường trơn, ướt, không nên tăng tốc quá nhanh. Việc duy trì tốc độ ổn định sẽ giúp tránh phần lớn nguy cơ trượt bánh.
Lưu ý: nếu bị trượt bánh, đừng nhả chân ga hoặc chân phanh quá nhanh.
Nếu bị trượt bánh trước, giảm tốc bằng cách bỏ chân ga nhưng không đạp phanh dúi dụi. Ở những xe có ABS, tài xế có thể áp dụng phanh, nhưng chỉ là đạp nhẹ, chứ không đạp lút. Trả lái đôi chút về hướng thẳng hoặc gần thẳng, giúp chiều lăn và trượt của lốp gần trùng nhau, nhờ đó lấy lại độ bám đường của lốp nhanh hơn. Sau khi xe đã giảm tốc và nhận thấy độ bám đường phù hợp đã trở lại, tài xế đánh lái theo hướng vào cua để xe tiếp tục hành trình.
Khi bị trượt bánh sau, không phải cố chống lại, mà phải xoay theo sự cố. Việc cần làm là không được nhìn theo hướng xe đang xoay, mà phải nhìn theo hướng muốn tới. Khi đã xác định được hướng muốn tới, đánh lái ngược (countersteering) về phía hướng đó để chống lại hiện tượng xoay tròn của xe. hiện tượng này giống như việc các tay đua drift qua khúc cua. Để lấy lại độ bám cho bánh sau, có thể đạp mớm ga.
Cầm vô lăng đúng cách
Vị trí an toàn, dễ kiểm soát và thoải mái nhất là 9 giờ – 3 giờ. Đây cũng là tư thế tốt nhất giúp tay bạn đỡ mỏi nhất khi lái xe trong thời gian dài.
Giữ tốc độ và khoảng cách hợp lý
Ai cũng biết điều này khi đi học lái. Nhưng không phải tất cả các tài xế đều tuân thủ khi đã có bằng. Chạy xe ở tốc độ thấp hơn hoặc cao hơn những xe xung quanh, hoặc đi quá sát, bám đuôi ai đó là điều nguy hiểm và có thể gây tai nạn.
Không phanh bằng chân trái
Phanh bằng chân trái là kỹ năng khó, đòi hỏi phải luyện tập và thực hành thường xuyên, thường chỉ các tay đua chuyên nghiệp mới sử dụng. Biết cách sử dụng kỹ năng này sẽ giúp bạn quay xe nhanh hơn bằng cách giữ được tốc độ động cơ và tốc độ xe ở mức cần thiết, đồng thời kiểm soát được trượt bánh sau. Nhưng tốt nhất không nên sử dụng khi tham gia giao thông, bởi bạn không thể biết mình có chắc chắn thực hiện chính xác mọi thứ và tránh được va chạm hay không.
Không lái xe khi say rượu
Uống quá nhiều rượu có thể gây ra nhiều tổn thương dẫn đến tai nạn xe hơi. Nếu bạn biết trước sẽ phải uống rượu khi đến gặp bạn bè, đồng nghiệp, hãy đi taxi thay vì lái xe tới chỗ hẹn. Hoặc việc phải nhậu say không được lên kế hoạch trước, bạn nên để xe lại và đi taxi về nhà hoặc nhờ ai đó tỉnh táo lái xe đưa bạn về nhà.
Một chút bất tiện khi đi taxi về chỉ là quá nhỏ so với những hậu quả chết người khi lái xe dưới ảnh hưởng của rượu.
Không lái xe quá tốc độ
Quá tốc độ là nguyên nhân hàng đầu gây ra va chạm xe hoặc tai nạn giao thông. Do đó, tuân theo các giới hạn tốc độ trong khu vực giao thông là điều rất quan trọng.
Luôn thắt dây an toàn
Tài xế cũng như hành khách phải tuân theo các hướng dẫn về thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô. Vì dây an toàn đã được chứng minh là có thể cứu sống bạn trong các vụ đụng xe. Ngay cả một chiếc xe đi với tốc độ chậm nhưng bất ngờ gặp tai nạn cũng có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người ngồi trong xe không đeo dây an toàn.
Hãy đề phòng khi lái xe dưới thời tiết xấu
Tầm nhìn kém do sương mù, tuyết hoặc mưa lớn và gió có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng. Theo kinh nghiệm lái xe an toàn, để vượt qua những điều kiện xấu này, người lái xe nên đi chậm hoặc thấp hơn giới hạn tốc độ, duy trì khoảng cách thuận lợi từ xe phía trước, và thực sự cẩn thận khi đi qua các đường cong.
Nếu thời tiết tồi tệ hơn, bạn nên tìm một nơi trú an toàn cho đến khi thời tiết quang đãng và đường dễ đi hơn.
Tập trung khi lái xe
Sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe đã gây ra một số tai nạn xe cộ. Hãy đảm bảo rằng bạn tập trung vào việc lái xe, bất kể những gì xung quanh chẳng hạn như biển quảng cáo có hình ảnh gợi cảm hoặc một vụ đánh nhau ở bên đường. Ăn uống, trang điểm hoặc nghe nhạc lớn trong khi lái xe cũng nên tránh.
Tránh lái xe khi buồn ngủ
Hãy chắc chắn rằng bạn đã ngủ đủ giấc trước khi lái xe, đặc biệt là khi lái xe đường dài. Hai giây ngủ thiếp đi trong khi lái xe có thể là thảm họa. Tránh dùng thuốc khiến bạn buồn ngủ trước khi lái xe. Điều này cũng có thể làm giảm tầm nhìn và khả năng lái xe của bạn.
- 10 thói quen tai hại dễ gây tai nạn khi lái xe ô tô bạn nên biết
- Bảo vệ ô tô trong những ngày mưa gió để hạn chế hư hỏng
- Các trung tâm đăng kiểm xe ô tô xe cơ giới tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
- Tuyển tập các mẫu xe ô tô điện giá rẻ, đẹp đáng mua nhất 2024
- Chọn loại dầu nhớt ô tô nào tốt nhất cho xe hơi của bạn?