Xe giật cục, chết máy, òa ga… là những tình huống rất dễ gặp phải khi mới biết lái xe số sàn. Nhằm giúp các bác khắc phục tình trạng này, dgX sẽ hướng dẫn cách lái xe số sàn trong 5 tình huống cụ thể sao cho “mượt” như xe số tự động.
Cách lái xe số sàn không bị giật khi khởi động
Bước 1: Trước khi cho xe lăn bánh, hãy chắc chắn rằng các bác đã hạ phanh tay.
Bước 2: Đạp hết chân côn
Bước 3: Ngay khi cảm thấy bất cứ dịch chuyển nào, dù là nhỏ nhất, hãy đạp chân phanh.
Bước 4: Kiểm tra để chắc chắn cần số đã ở vị trí N (Neutral).
Bước 5: Khởi động xe
Bước 6: Dùng chân trái đạp hết côn, đồng thời sử dụng tay phải đẩy cần lên vị trí số 1.
Bước 7: Từ từ nhả chân côn. Các bác lưu ý đừng nhả chân côn nhanh và hết cỡ vì sẽ rất dễ bị chết máy. Đồng thời chuyển chân phải sang chân ga, nhả chân côn cho tới khi xe bắt đầu di chuyển. Nếu trước đó các bác quên chưa nhả tay phanh thì phải nhả tại thời điểm này.
Bước 8: Nhấn nhẹ chân ga để vòng tua máy vượt qua chế độ chạy không tải đôi chút.
Bước 9: Tiếp tục nhả chân côn và đạp thêm ga một cách nhẹ nhàng, vừa phải.
Bước 10: Tiếp tục đạp ga và bỏ hoàn toàn chân côn.
Bước 11: Bắt đầu di chuyển đều trên đường.
Cách lái xe số sàn không bị giật khi lên số cao
Bước 1: Xác định thời điểm lên số. Thường thì thời điểm lên số là khi vòng tua máy lớn, các bác có thể cảm nhận được tiếng máy hơi gằn, tiếng pô to hơn so với bình thường. Tuy nhiên nếu xe đang lên dốc hoặc muốn tăng tốc nhanh thì các bác nên chuyển số muộn hơn để có thể tận dụng được lực kéo lớn ở dải số thấp.
Bước 2: Sau khi đã xác định được thời điểm lên số, chúng ta bắt đầu quá trình lên số. Đầu tiên, giải phóng chân ga, đạp hết chân côn để tách côn hoàn toàn. (Lưu ý là phải đạp hết chân côn nhé các bác, nếu không sẽ gây hại cho hộp số khi chuyển số).
Bước 3: Chuyển cần số lên cao.
Bước 4: Bỏ chân côn, đạp thêm ga. Lưu ý là động tác nhả chân côn và đạp ga phải thực hiện cùng lúc để tránh cho xe không bị giật, nhưng khi xe đã lăn bánh, chúng ta có thể nhả chân côn khi chuyển số cao nhanh hơn mà không sợ xe bị giật.
Cách lái xe số sàn không bị giật khi về số thấp
Bước 1: Xác định thời điểm thích hợp để về số thấp. Cũng như khi chuyển số cao, các bác có thể căn cứ vào tốc độ động cơ để xác định thời điểm chuyển số. Thông thường, khi tốc độ động cơ xuống dưới ngưỡng thích hợp với cấp số hiện tại thì các bác sẽ cảm thấy xe hơi giật cục. Lúc này đạp ga sẽ không cho tác dụng như bình thường.
Bước 2: Bắt đầu quá trình về số bằng cách bỏ chân ga, đạp lút côn, tay phải đưa cần số về vị trí thấp hơn.
Bước 3: Nới nhẹ chân côn, đồng thời đặt chân phải lên chân ga. Khi đã hoàn thành quá trình về số thấp, xe sẽ như bị ngừng đột ngột. Lúc này, các bác hơi nhích chân ga để tốc độ động cơ bắt kịp với tốc độ di chuyển của xe.
Bước 4: Nhả hoàn toàn chân côn, bắt đầu dùng chân ga để chạy bình thường.
Cách lái xe số sàn không bị giật khi phanh để dừng
Bước 1: Hãy chỉ phanh xe khi cần số đang ở số chạy chứ không phải ở vị trí N, vì nếu cần đang ở vị trí số N thì xe sẽ chạy theo quán tính. Lúc này, phanh sẽ chậm tác dụng.
Bước 2: Giữ phanh cho tới khi tốc độ vòng tua máy cao hơn chế độ chạy không tải đôi chút.
Bước 3: Cắt côn và đưa cần số về vị trí N.
Bước 4: Tiếp tục đạp chân phanh để xe dừng hẳn.
Bước 5: Nhả phanh khi tốc độ của xe chỉ còn khoảng dưới 20km/h để xe từ từ lăn bánh vào vị trí đỗ. Làm như vậy sẽ giúp cho trọng lực vốn đang dồn lên giảm xóc trước khi phanh chuyển đều lên cả phía trước và sau, tạo thế cân bằng, không bị giật khi xe dừng.
Bước 6: Giữ phanh khi xe đã dừng để giữ cho xe chắn chắn dừng hẳn ở những địa hình không bằng phẳng hoặc luồng giao thông đông đúc.
Cách đi xe số sàn không bị giật khi dừng trên dốc
Cách 1: Vê côn
Bước 1: Bắt đầu phanh như bình thường.
Bước 2: Tương tự khi phanh trên đường thẳng, khi gần tới chỗ dừng thì chúng ta sẽ bỏ chân phanh, cho xe từ từ chạy về đúng điểm muốn dừng. Lưu ý, hãy chắc chắn cần số đang ở vị trí 1.
Bước 3: Ngắt côn và hơi đạp nhẹ ga khi xe dừng. Thao tác này được gọi là vê côn. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chân ga và côn sẽ giúp các bác dừng được xe mà không cần đạp phanh. Nếu thấy xe bắt đầu trôi dốc thì nhả bớt chân côn. Còn nếu cảm thấy xe có xu hướng lăn bánh, hãy đạp sâu thêm chân côn.
Lưu ý: Các bác chỉ nên áp dụng các này nếu dừng xe thời gian ngắn, ở những nơi ít phương tiện. Mặt trái của cách làm này là sẽ giảm tuổi thọ của côn, do đó chúng ta chỉ nên áp dụng khi thực sự cần thiết.
Cách 2: Dùng phanh tay
Bước 1: Phanh như bình thường cho tới khi xe tới điểm cần dừng, dùng phanh tay để giữ cho xe đứng yên trên dốc.
Bước 2: Khi bắt đầu di chuyển trở lại, nhả ít côn sau khi vào số 1, từ từ đạp ga để xe dịch chuyển lên trước.
Bước 3: Giải phóng phanh tay khi xe bắt đầu có dấu hiệu di chuyển.
Bước 4: Đạp ga, bỏ hoàn toàn chân côn và di chuyển như bình thường. Khi đề-pa trên dốc, hãy kết hợp nhuần nhuyễn chân ga và côn để xe không bị trôi và rung. Nhả chân côn cho tới khi xe có dấu hiệu bắt côn là lập tức sử dụng chân ga để kiểm soát.
Hi vọng những chia sẻ về cách lái xe số sàn không bị giật trên đây sẽ giúp ích cho các bác. Chúc các bác lái xe an toàn!
———————————————
- Bảng giá lăn bánh Kia Sonet 2023 mới nhất tháng 11/2024
- Vietnam Motor Show 2024: “Mở tương lai xanh” với loạt xe hybrid và xe thuần điện
- Những điều cần lưu ý khi dán phim cách nhiệt ô tô
- Cơ sơ bảo dưỡng 3S 4S được cấp phép kiểm định xe ô tô?
- Hyundai Accent 1.4MT tiêu chuẩn: Giá xe, Hình ảnh và Thông số 11/2024