Lốp xe là bộ phận rất quan trọng, có vai trò nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của xe, dẫn hướng và kiểm soát tốc độ… Chính vì vậy, việc nhận diện các dấu hiệu cho thấy cần thay mới và các bước tự thay lốp là kỹ năng mà các bác tài mới nên tìm hiểu và thực hành để chăm sóc tốt hơn cho chiếc xe của mình.
1. Những dấu hiệu nhận biết thời điểm cần thay lốp
1.1. Hiệu suất giảm
Các bác nên thường xuyên kiểm tra áp suất lốp. Nếu thấy lốp bị xẹp bất thường, không đủ áp suất thì có thể, lốp đã bị rò khí do nứt, lõm. Đây chính là một trong những dấu hiệu cho thấy cần phải thay lốp mới.
1.2. Chiều sâu tối thiểu của rãnh lốp không đạt
Các gờ nổi nhỏ ở mặt đáy của các rãnh hoa lốp sẽ báo hiệu cho các bác biết thời điểm cần thay lốp mới. Nếu độ sâu của rãnh lốp còn lại khoảng hơn 3mm thì đó chính là thời điểm cần thiết phải thay mới. Các bác có thể đo độ sâu của rãnh lốp thông qua độ mờ của chữ trên lốp, hoặc dùng thước đo chuyên dụng.
Đặc biệt lưu ý là không nên tự làm mới rãnh lốp bởi khi lốp bị mỏng đi sẽ không thể đảm bảo được chất lượng, độ an toàn, dễ gây ra tai nạn. Đó cũng chính là lý do các bác nên khước từ các cơ sở “phục chế” lốp cũ, không ham rẻ mà mang họa vào thân.
1.3. Có những điểm phồng lên, nứt nẻ, bong tróc
Khi bề mặt lốp phải chịu quá nhiều áp lực sẽ xuất hiện các vết phồng nhỏ, nứt nẻ, bong tróc trên thành, làm thay đổi cấu trúc lốp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao do nổ lốp, nhất là trong những trường hợp xe phải vận hành trong điều kiện đường sá, thời tiết khắc nghiệt. Do vậy, ngay khi kiểm tra và thấy các dấu hiệu này, các bác cũng nên tiến hành thay lốp mới càng sớm càng tốt.
1.4. Vô lăng rung, lắc
Lốp xe bị hỏng, sai lệch sẽ không đảm bảo chất lượng phục vụ cũng như sự cân bằng giữa các bánh. Lúc này, các bác sẽ dễ nhận thấy hiện tượng vô lăng hoặc thậm chí là toàn bộ thân xe bị rung, lắc, rõ nhất là khi xe chạy với vận tốc từ 60km/h trở lên. Do vậy, việc đảo lốp định kỳ và cân bằng lại lốp là cần thiết. Tuy nhiên nếu sau khi thực hiện các thao tác trên rồi mà lốp vẫn tiếp tục rung thì nên thay lốp mới.
1.5. Quá hạn sử dụng lốp xe
Theo khuyến cáo, người dùng nên thay lốp định kỳ 6 năm 1 lần, ngay cả khi xe không được sử dụng thường xuyên hay lốp vẫn đang ở trạng thái bình thường. Sau khoảng 5 năm hoặc hơn, nên tiến hành kiểm tra ít nhất 1 lần/năm. Với một số trường hợp cần thiết, các bác nên thay lốp theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
2. Hướng dẫn kỹ năng tự thay lốp ô tô
Để không lâm vào cảnh “bơ vơ” trên đường, chờ đợi cứu hộ, các bác nên thực hành kỹ năng tự thay lốp cho ô tô. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết dành cho các bác:
2.1. Tìm nơi bằng phẳng, an toàn để thay lốp
Trước tiên, các bác cần tìm một bề mặt đảm bảo đủ chắc chắn và bằng phẳng. Điều này sẽ giúp hạn chế việc xe bị lăn bánh khi đang thay lốp. Hãy cố gắng chọn nơi đỗ xe xa đường giao thông và bật đèn khẩn cấp. Tránh nền đất mềm và dốc.
2. 2. Kéo phanh tay và chuyển cần số về P
Nếu là xe số sàn, các bác về số 1 hoặc cài số lùi.
2.3. Chặn cả lốp trước và sau bằng vật nặng
Sử dụng đá, lốp dự phòng hoặc các vật khác đủ sức cản để chặn cả lốp trước và sau.
2.4. Lấy lốp dự phòng và kích xe
Đặt kích dưới gầm xe, phía gần với lốp cần thay, sao cho đảm bảo rằng kích tiếp xúc với phần kim loại của bộ khung. Đa số các dòng xe đều có các bộ phận bằng nhựa đúc phía dưới xe. Do vậy nếu kích không được đặt đúng chỗ thì sẽ dễ làm vỡ các chi tiết bằng nhựa khi chúng ta nâng kích xe lên. Nếu không chắc chắn, hãy đọc hướng dẫn sử dụng.
Trên phần lớn các dòng xe hiện đại, phần gầm sẽ có một khấc nhỏ hoặc chỗ đánh dấu nằm phía sau bánh trước hoặc phía trước bánh sau để đặt kích vào đó. Trong khi phần lớn xe đời cũ và xe tải, chúng ta có thể tìm thấy nơi đặt kích ở một trong những dầm của khung, ngay phía sau bánh trước hoặc phía trước bánh sau.
2.5. Nâng kích tới khi thiết bị này trở thành một chiếc trụ
Hãy đảm bảo kích đứng chắc tại chỗ, vuông góc với mặt đất.
2.6. Tháo nắp chụp trục bánh xe và nới các ốc bằng cách quay ngược chiều kim đồng hồ
Không tháo rời tất cả mà chỉ cần phá bỏ lực cản. Hãy giữ cho bánh xe tiếp xúc với mặt đất khi nới những chiếc ốc đầu tiên, các bác sẽ thực sự xoay ốc thay vì xoay bánh xe.
Dùng cờ-lê trong bộ dụng cụ đi theo xe, cũng có thể thay thế bằng một chiếc chữ thập tiêu chuẩn. Lưu ý, chọn một chiếc cờ-lê đúng cỡ sẽ giúp tháo ốc dễ hơn và phải đảm bảo xoay đúng chiều. Vì thao tác này có thể sẽ mất nhiều sức lực nên chúng ta cần dùng tới trọng lượng cơ thể, dậm chân lên cờ-lê.
2.7. Nâng kích để nhấc bánh xe khỏi mặt đất
Kích phải được nâng đủ cao thì mới có thể tháo lốp ra và thay lốp dự phòng. Trong khi nâng kích thì xe vẫn phải đảm bảo đứng chắc. Ngay khi nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự mất ổn định, hãy hạ thấp kích và xử lý rắc rối trước khi tiếp tục nâng xe lên. Nếu kích bị lệch góc hoặc nghiêng, hãy hạ thấp và đặt lại.
2.8. Tháo nốt các ốc
Xoay ngược chiều kim đồng hồ cho tới khi thấy các ốc được nới hoàn toàn. Thực hiện như vậy với tất cả các đai ốc còn lại, sau đó tháo rời hoàn toàn.
2.9. Tháo bánh
Các bác đặt lốp xẹp phía dưới xe để đề phòng trường hợp bị kích hỏng, xe sụp xuống đất. Bánh xe cũng có thể bị kẹt do kim loại bị gỉ. Các bác có thể phải thúc từ phía trong bằng một chiếc búa cao su hoặc tác động từ phía ngoài để tháo được bánh xe.
2.10. Lắp bánh dự phòng vào trục
Canh cho thẳng vành xe với bu-lông bánh xe, sau đó lắp đai ốc.
2.11. Vặn chặt ốc bằng tay
Sử dụng cờ-lê và vặn chặt nhất có thể. Các bác đừng thắt chặt hoàn toàn một ốc mỗi lần vặn, hãy vặn dần lần lượt để các cốc chặt như nhau, như vậy sẽ đảm bảo lốp cân bằng hơn. Ngoài ra, tránh việc dùng quá nhiều lực vì có thể sẽ làm đổ kích. Hãy tiếp tục vặn chặt khi đã hạ xe xuống đất để tránh kích bị đổ.
2.12. Hạ thấp xe nhưng không hạ hết
Hạ thấp xe nhưng không hạ hết vì chúng ta còn phải tiếp tục vặn chặt các ốc tối đa.
2.13. Hạ xe hoàn toàn và tháo kích
Kết thúc việc vặn chặt ốc và lắp nắp chụp trục bánh xe.
Như vậy, việc thay bánh đã hoàn tất.
———————————————