Khắc phục tình trạng đạp nhầm chân phanh với chân ga. Tình trạng đạp nhầm chân phanh với chân ga không phải hiếm gặp trong quá trình lái xe, đặc biệt là những xe số tự động. Các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra chủ yếu là do những sự nhầm lẫn này. Qua bài viết sau, Thông tin xe gửi đến bạn cách điều khiển xe ô tô số tự động đúng cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Hộp số tự động trên xe ô tô ngày càng phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ tính tiện dụng, thoải mái khi vận hành. Vì thế có khá nhiều những thắc mắc xoay quanh việc sử dụng một chiếc xe ô tô số tự động như thế nào để đảm bảo tính vận hành ổn định và bền bỉ của hộp số cũng như cánh tránh đạp nhầm chân ga và chân phanh xe ô tô
Các ký hiệu trên cần điều khiển số hộp số tự động
- P (Park) – chế độ đỗ xe – sử dụng khi dừng đỗ xe lâu
- R (Reverse) – Số lùi – dùng để chạy lùi, lùi đỗ xe
- N (Neutral) – chế độ số mo, ngắt truyền động hộp số – sử dụng khi cần kéo xe cứu hộ
- D (Drive) – Số tiến – dùng để xe di chuyển về phía trước
Các ký hiệu chế độ điều khiển trên xe số tự động (tuỳ dòng xe, thương hiệu có cách ký hiệu khác nhau)
Với 4 chế độ R, P, N, D là những chế độ cơ bản nhất mà bất kì chiếc xe số tự động nào cũng có. Ngoài ra ở một số dòng xe cao cấp bộ cần số còn được nâng cấp với các chức năng phụ và tùy chỉnh như:
- D3 (Drive 3) = chạy xe tốc độ chậm (ở những đoạn đường gồ ghề, khó đi)
- D1 và D2 (Drive 1 và Drive 2) = chạy ở những đoạn đường khó đi hoặc cần tăng tốc. Thường thì khi đổ đèo các tài xế rất hay sử dụng những số này để đảm bảo an toàn
- OD (Overdrive) = chế độ để vượt dốc, đổ đèo
- M (Manual) /- (chế độ /- có thể nằm ở lẫy số trên vô lăng) = thiết lập cần số ở chế độ có thể điều chỉnh như số sàn, cho phép sang số 1, 2, 3, 4, 5 hoặc ngược lại (dấu /- lần lượt là tăng và giảm số)
- S (Sport) = chế độ xe thể thao, chức năng gần tương tự chế độ M, cho phép người lái chuyển số theo ý muốn
- L (Low): chế độ số thấp dùng trong các trường hợp xe tải nặng, lên/xuống dốc
- B (Brake): chế độ số hãm, dùng để hãm tốc động cơ khi xe xuống dốc
Thiết kế cần chuyển số thông thường được bố trí theo kiểu cần số thẳng với các vị trí số P,R,N,D nằm trên đường thẳng hay cần số ziczac với các vị trí số nằm trên đường ziczac. Ngoài ra còn có kiểu cần số dạng tròn (Jaguar-Land Rover) hay cần số dạng treo trên vô-lăng (Mercedes), nút bấm…
Ưu điểm của xe số tự động là cho phép người lái xe tập trung hơn vào việc điều khiển vì họ không cần phải bận tâm vào thời điểm nào phải vào số nào, đạp chân nào, cho phép họ điều khiển xe bằng cả hai tay hoặc họ có thể thư giãn tay phải (và chân trái) để thực hiện những thao tác khác.
Bên cạnh đó, khuyết điểm của xe số tự động là tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn xe số sàn và không cho phép người lái xe chủ động trong việc điều khiển vận tốc. Vì những lý do đó mà xe số tự động hay được phái nữ ưa chuộng và một số đông nam giới sử dụng.
Tùy theo hiệu xe, loại xe và năm sản xuất mà cần số được thiết kế đặt ở nhiều vị trí khác nhau. Thông thường các loại xe 4-5 chỗ (sedan) và 5-7 chỗ (SUV) có cần số được đặt chính giữa ghế của người lái và ghế của hành khách (center console). Các loại xe 7 chỗ khác như minivan hoặc bán tải (pickup truck) lại có thiết kế cần số gắn liền với trục tay lái để không gian sàn được thông thoáng hơn. Đặc biệt, đối với một loại xe thể thao Ferrari, Lamborghini, Bugatti… lại sử dụng nút bấm thay cho cần số.
Lái xe số tự động đúng cách
Khi bạn bắt đầu học lái xe thì ở các trung tâm đào tạo lái xe đã có hướng dẫn cụ thể: “điều khiển xe số tự động chỉ cần chân phải điều khiển cả phanh và ga, còn chân trái không sử dụng đến”. Tuy vậy, thời gian gần đây có nhiều vụ “xe điên” gây tai nạn hàng loạt do đạp nhầm chân ga. Nguyên nhân chính của việc này là bạn sử dụng cả hai chân ( một chân bên phanh, một chân bên ga). Do đó, để tránh đạp nhầm chân ga và chân phanh, bạn cần lưu ý vấn đề này. Đáng nói hơn là, nhiều lái xe vẫn cho rằng việc sử dụng cả hai chân để điều khiển xe sẽ thuận tiện hơn bởi không cần để chân nào thừa thãi.
Chuẩn bị để lái xe
Mở cửa xe và ngồi vào ghế lái. Sau đó điều chỉnh ghế ngồi sao cho thoải mái, chân phải có thể đạp phanh hết hành trình. Điều chỉnh gương để quan sát phía sau và hai bên xe rõ ràng. Xác định các điểm mù của xe trước khi lái.
Vận hành xe
Trước khi cho xe lăn bánh, chú ý quan sát xung quanh kể cả điểm mù.
Sau khi đưa xe đến đích và dừng hẳn, chân phải vẫn đạp phanh đến khi xe dừng hẳn lại, sau đó di chuyển cần số về vị trí N, kéo phanh tay, nhả chân phanh và chuyển cần số về vị trí P (Parking) và tắt máy. Chân trái luôn luôn để ở phần chờ, không dùng vào bất cứ thao tác nào trên xe số tự động.
Khi Lùi xe
Di chuyển cần số đến vị trí R (Reverse), quan sát phía sau và xung quanh, nhẹ nhàng di chuyển chân từ bàn đạp phanh sang bàn đạp ga.
Vận hành xe ô tô hộp số tự động sao cho hiệu quả và an toàn nhất
Trong thực tế nhiều “tài mới” vốn đã quen với thao tác lái xe số sàn từ khi học lái, đến lúc chuyển sang ô tô số tự động thường mắc phải những sai lầm nguy hiểm gây mất an toàn và dễ làm hư hỏng các bộ phận trên xe. Thông thường các sự cố khi đạp nhầm chân ga, các lái xe lười hoặc quên chuyển chân sang bên phanh khi không sử dụng đến bàn đạp ga nên xe khi gặp sự cố bất ngờ thì theo thói quen sẽ dậm phanh nhưng lúc này chân chưa chuyên đi và đạp nhầm chân ga gây ra những tai nạn nghiêm trọng.
Dưới đây là những lưu ý để vận hành loại hộp số này, cũng như cách vào số xe ô tô tự động sao cho hiệu quả và an toàn nhất
- Ngay trước khi khởi động động cơ, bạn phải thực hiện thao tác: đạp hết bàn đạp phanh, đặt cần số ở vị trí “P”, kéo phanh tay.
- Luôn đạp phanh khi chuyển cần số sang vị trí khác. Đừng bao giờ đặt chân lên bàn đạp ga khi đang chuyển cần số từ vị trí “P” hoặc “N” sang bất kỳ vị trí nào khác trên cần số.
- Không nên ấn nút khóa trên cần số thường xuyên, bởi vì cần số có thể vô tình chuyển qua vị trí “R”.
- Không nên chuyển cần số sang vị trí “N” khi xe đang di chuyển. Tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra trong trường hợp bạn vô tình chuyển cần số về vị trí “P” hoặc “R” hoặc do xe không được phanh bằng động cơ.
- Hãy luôn đặt chân lên bàn đạp phanh khi chuyển số sang vị trí “N” hoặc chuyển từ vị trí “N” sang vị trí khác để tránh nguy cơ mất điều khiển.
- Chỉ sử dụng dụy nhất chân phải khi điều khiển xe số tự động.
- Để tránh tăng tốc đột ngột, đừng bao giờ đạp ga khi chuyển cần số từ vị trí “P” hoặc “N”.
- Tránh đặt các chai lọ hoặc các vật khác dưới sàn bởi vì chúng có thể lăn và gây kẹt bàn đạp phanh/ bàn đạp ga.
- Tránh mang dép khi lái xe bởi vì quay dép đế dép có thể móc vào bàn đạp ga hoặc bàn đạp phanh gây cản trở việc điều khiển xe.
- Nói không với giày cao gót khi lái xe, vì giày cao gót sẽ khiến chân có thể trượt ra khỏi bàn đạp phanh, thậm chí có thể gãy cả ngón chân khi tuột bàn chân do các ngón chân không được bảo vệ. Ngoài ra, giày cao gót không tạo độ bám, độ trụ tốt cho chân, khiến tài xế không có tư thế lái xe thoải mái nhất và có thể khiến người lái mất kiểm soát chân phanh, chân ga. Bên cạnh đó, một số đôi giày cao gót có thể mắc kẹt vào thảm trải sàn, mắc kẹt giữa bàn đạp, khiến người lái không kịp xoay sở trong tình huống khẩn cấp.
Cho dù bạn lái xe có hộp số loại nào, bạn nên dành ít thời gian tìm hiểu về xe đó trước khi tham gia giao thông, hầu hết tất cả thông tin về xe được ghi rõ trong cuốn “Hướng dẫn sử dụng xe” do nhà sản xuất cung cấp. Cuối cùng vấn đề quan trọng nhất khi lái xe vẫn là: hiểu luật giao thông, kỹ năng điều khiển xe và phản xạ đối phó tình huống khẩn cấp.
Trường hợp khẩn cấp khi di chuyển với xe số tự động
Trong các trường hợp xe mất phanh, kẹt ga khi xe đang chạy ở tốc độ cao, tuyệt đối không được tắt động cơ bởi khi động cơ tắt đi thì người lái sẽ rất không thể điều khiển vô-lăng xe được vì lúc này, hệ thống đã khóa cứng vô lăng xe và dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Các tình huống khẩn cấp đòi hỏi phải hành động nhanh, nhưng yếu tố quan trọng nhất để xử lý tình huống một cách hiệu quả là giữ bình tĩnh. Sự hoảng loạn khi bạn đối mặt với tình huống khẩn cấp là do cơ thể tự động sản xuất quá nhiều hoóc môn cortisol gây căng thẳng. Bằng việc kiềm chế phản ứng của cơ thể, bạn có thể tiếp tục sử dụng tư duy logic của mình. Bạn sẽ không phản ứng bằng cảm xúc mà bằng suy nghĩ hợp lý. Hãy quan sát xung quanh và đánh giá tình hình xem cần phải làm gì trước khi hành động.
Xe mất thắng:
- Không tắt động cơ, vẫn để động cơ hoạt động bình thường
- Chuyển cần số về số tay để điều khiển về cấp số L1 – L2 – L3 để hãm tốc độ xe bằng phanh động cơ
- Khi tốc độ đã giảm đáng kể thì kéo phanh tay từ từ để giảm tốc độ xe
- Dừng xe.
Nếu trên đường thẳng có thể chuyển cần số về N để ngắt truyền động giúp tốc độ xe giảm từ từ
Nếu xe chạy trên đường dốc thì tuyệt đối không chuyển cần số về N vì không thể giảm tốc độ xe do xe chạy theo quán tính, hãy tìm cách giảm tốc độ xe bằng động cơ (chuyển về số L 1-2-3), cho xe áp sát vào vách núi, đường lánh nạn để dừng xe
Xe kẹt ga
Trong trường hợp xe bị kẹt chân ga, người lái có thể điều khiển xe như sau để đảm bảo an toàn
- Không tắt động cơ, vẫn để động cơ hoạt động bình thường
- Chuyển cần số về N để ngắt truyền động, đảm bảo xe không tiếp tục chạy nhanh hơn
- Dùng chân phanh giảm tốc độ từ từ cho đến khi dừng hẳn ở vị trí an toà
Dừng đèn đỏ khi lái xe số tự động
- Nếu dừng nhanh thì vẫn để cần số ở vị trí D, giữ chân phanh nếu đường dốc
- Nếu xe dừng lâu có thể chuyển cần số sang vị trí N và kéo phanh tay
- Không chuyển cần số về vị trí P vì trong trương hợp xe bị đâm phía sau khi đang dừng đèn đỏ sẽ gây hại cho hộp số. Ngoài ra một vài xe trang bị tính năng khoá cửa tự động, khi về P cửa xe sẽ unlock khiến kẻ gian dễ dàng đột nhập vào xe.
Đi đường đèo với xe số tự động
- Lên dốc, đi lên đèo thì có thể để cần số ở vị trí D hay chuyển sang chế độ số tay để tự điều khiển các cấp số. Để thoải mái nhất người lái nên để cần số ở D, việc tính toán các cấp số phù hợp đã có hệ thống điện tử điều khiển.
- Xuống dốc, đi xuống đèo người lái nên chủ động chuyển sang số tay, tự điều khiển các cấp số cộng trừ 3-2-1 để hãm tốc độ bằng động cơ, hạn chế đạp phanh chân nhiều để đảm bảo an toàn
Tuyệt đối không tắt máy xe, chuyển số về N thả trôi dốc để tiết kiệm nhiên liệu vì điều này khiến bạn khó điều khiển vô-lăng đúng hướng (tắt máy trợ lực lái không hoạt động, vô-lăng sẽ bị khóa cứng hoặc rất nặng không đánh lái được), tốc độ xe tăng nhanh khi chạy theo quán tính, không thể hãm tốc độ bằng động cơ mà phải dùng phanh chân nhiều, nếu đạp phanh quá lâu sẽ dẫn đến tình trạng mất phanh, rất nguy hiểm
Dừng đỗ xe với xe số tự động
Các bước đỗ xe an toàn khi lái xe số tự động (đường bằng và đường dốc) người lái cần tập thói quen
- Đạp chân phanh cho xe dừng hẳn lại
- Chuyển cần số về N
- Kéo phanh tay
- Nhả phanh chân
- Chuyển cần số về P
Điều này sẽ giúp hộp số bền hơn, hạn chế ma sát các chi tiết cơ khí bên trong hộp số
Tất cả những hướng dẫn và chú ý trên khi lái xe số tự động sẽ giúp bạn biết được những điều nên và không nên làm cũng như cách xử lý các tình huống nguy hiểm khi lái xe hộp số tự động. Để đảm bảo lái xe an toàn, bạn nên thường xuyên luyện tập, trao dồi các kỹ năng lái xe và đặt biệt là tuân thủ đúng các quy định pháp luật giao thông đường bộ.
- Cầu chì xe ô tô là gì? Ý nghĩa ký hiệu & cách thay cầu chì hỏng
- Tuổi Dần sinh năm 1998 mua xe ô tô màu gì hợp phong thủy?
- Kinh nghiệm chọn mua xe ô tô cũ & những rủi ro mà bạn nên biết
- Vì sao nên mua xe Ford Ranger cũ? Mua phiên bản nào là tốt nhất?
- Mercedes-AMG C63 S 2023 ra mắt bản Hybird, có gì đặc biệt?