Không phải động cơ hay hộp số, hệ thống phanh mới là bộ phận quan trọng nhất trên xe. Hệ thống này có nhiệm vụ giảm tốc độ và dừng xe khi cần thiết, cùng với đó là cố định chiếc xe ở một vị trí nhất định. Ngày nay, đa phần xe thương mại đều được trang bị phanh cho cả bốn bánh xe, điều khiển bằng thủy lực. Xe có thể được trang bị phanh dạng tang trống hoặc dạng đĩa hoặc đôi khi là sự kết hợp của hai loại.
Hệ thống phanh
Trên xe, hệ thống phanh trước thường có hiệu suất hoạt động cao hơn so với phanh ở trục bánh sau. Lý giải cho điều này là vì trọng lượng của xe sẽ dồn về phía trước theo lực quán tính khi xe chậm lại, vì thế, đặt phanh lớn hơn ở bánh trước sẽ cho ra hiệu quả phanh tốt hơn là đặt ở bánh sau. Dễ dàng nhận thấy, trên một số mẫu xe sử dụng cả phanh đĩa và tang trống, phanh đĩa thường đặt tại bánh trước. Trên xe dùng cả bốn phanh đĩa, hai đĩa trước thường có kích thước lớn hơn hai đĩa ở bánh sau.
Hệ thống phanh được vận hành như thế nào?
Hệ thống phanh được vận hành bởi dầu thủy lực được truyền đến các cùm phanh (heo) thông qua ống dầu kim loại. Khi đạp phanh, lực tác động lên bàn đạp sẽ tạo áp suất, đẩy dầu đến các cùm phanh, từ đó tác động lực lên đĩa phanh hoặc trống phanh làm giảm tốc độ của xe. Để tạo lực lơn hơn, xe hơi hiện nay được trang bị kèm bộ trợ lực phanh, đặt ngay phía sau chân phanh. Bộ trợ lực dùng áp suất khí trời và chân không để tạo nên hai môi trường khác nhau, làm cho chân phanh nhẹ hơn nhưng vẫn đảm bảo lực cần thiết.
Đường dầu hệ thống phanh thường được bố trí làm hai loại, gồm mạch dầu thẳng và mạch dầu chéo. Điều này được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn. Khi một đường dầu bị đứt hoặc hở, đường dầu còn lại vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để dừng xe an toàn. Mạch dầu thẳng là loại mạch dầu gồm hai đường dầu phân cho cặp bánh xe chung một trục. Mạch dầu chéo phân dầu đến bánh xe so le.
Ở điểm đến, dầu sẽ được bơm vào các piston phanh đặt trong cùm phanh. Các piston này sẽ đẩy má phanh tiếp xúc vào bề mặt đĩa phanh hoặc trống phanh nhằm giảm tốc độ quay. Đĩa phanh thường được làm bằng thép hoặc các vật liệu cao cấp hơn trong khi trống phanh thường được làm bằng gang, má phanh được là bằng vật liệu ma sát cao. Với phanh đĩa, tùy vào đường kính đĩa phanh, nhà sản xuất sẽ trang bị kèm cùm phanh với số lượng piston phù hợp.
Phanh tay, thắng tay
Phanh tay là một cơ cấu phanh độc lập với phanh thông thường. Nhiệm vụ chính của phanh tay là để cố định chiếc xe tại một vị trí khi đỗ xe. Ngoài ra, nó còn có công dụng dự phòng để dừng xe khi cả hai mạch dầu chính bị hỏng. Hiện nay, có hia loại phanh tay gồm phanh tay cơ và phanh tay điện tử, ngoài ra, còn có loại phanh tay được kích hoạt bằng chân.
Sau một thời gian sử dụng thì một số các dấu hiệu sẽ cho thấy đã đến lúc cần thay thế, sử chữa hệ thống phanh và bạn dễ dàng có thể nhận thấy thông qua đèn báo hoặc tự mình cảm nhận. Sau đây, hãy cùng xem qua một số dấu hiệu để có thể nhận biết phanh đã gặp hoặc chuẩn bị gắp các sự cố nhằm có hướng giải quyết tối ưu và nhanh nhất.
Khi nào nên thay má phanh
Ở má phanh, các nhà sản xuất đã thiết kế chúng với một độ dày có thể sử dụng nhất định. Sau khi dùng hết phần này, má phanh sẽ đi vào phần kim loại khác tạo ra âm thanh khác thường mỗi khi phanh. Đây được các hãng gọi là âm thanh cảnh báo hết má phanh để giúp người lái biết và thay thế chúng.
Ngoài ra, bạn cũng nên để ý đến những âm thanh “nghiến” khác thường. Đó có thể là do khi má phanh đã hết, phần cùm phanh kim loại sẽ bị tiếp xúc trực tiếp lên trên đĩa phanh, tạo nên thứ âm thanh này.
Xỉa lái
Hiện tượng này thường là do hệ thống lái không cân bằng gây nên nhưng ở một số trường hợp, hệ thống phanh cũng góp phần không nhỏ tạo nên hiện tượng này. Đó có thể là do má phanh bị kẹt, má phanh không đều hoặc lực phanh được phân bổ không đều đến các bánh xe. Khi đó, vô-lăng sẽ bị kéo về phía bên bị kẹt khi bạn đạp phanh, gây nên hiện tượng xỉa lái.
Má phanh mòn
Sau một thời gian sử dụng, má phanh và đĩa phanh hiển nhiên sẽ bị mòn và sẽ khiến việc dừng chiếc xe diễn ra lâu và khó khăn hơn trước. Đĩa phanh là một trong những bộ phận bền nhất trên xe trong khi má phanh lại mòn nhanh hơn rất nhiều. Việc kiểm tra bộ phận này cũng khá dễ dàng khi chỉ cần đánh lái và nhìn vào phía trong, giữa cùm phanh và đĩa phanh, nơi má phanh được đặt. Thông thường, má phanh đạt chuẩn sẽ dày khoảng một phần tư inch và nếu mỏng hơn, chúng nên được thay thế. Nếu bánh xe của bạn không cho phép nhìn thấy hệ thống phanh, tốt hơn nên tháo chúng ra để kiểm tra.
Chân phanh hoạt động bất thường
Bên cạnh những rung động, chân phanh còn có thể cho bạn biết được một số các vấn đề khác của hệ thống phanh. Đầu tiên là chân phanh quá nhẹ, chỉ cần đạp nhẹ là nó đã đi hết hành trình nhưng lực phanh lại không đạt được tối ưu. Điều này có thể được gây ra do đĩa phanh mòn hoặc một số các vấn đề ở hệ thống thủy lực. Để kiểm tra, bạn chỉ cần một chiếc khăn trắng và đặt chúng dưới gầm xe qua đêm và kiểm tra vào sáng hôm sau.
Trái ngược, đôi lúc hệ thống phanh sẽ cực kì nhạy, chỉ cần chạm nhẹ là xe dừng hoặc giảm tốc độ đột ngột. Điều này có thể được lý giải được nhờ vào các vấn đề như đĩa phanh mòn, dầu phanh đóng cặn, dầu phanh bẩn… Cuối cùng, nếu chân phanh quá cứng và cực kỳ khó để vận hành, điều này xảy ra có lẽ đường ống dầu đã bị nghẽn hoặc do buồng chân không của trợ lực bị hư.
Rung
Thông thường, điều này xảy ra do đĩa phanh cong, vênh. Bề mặt không bằng phẳng của đĩa phanh tạo ra sự va đạp với má phanh và từ đó bạn có thể cảm nhận chúng qua chân phanh. Vấn đề này được sinh ra do phanh phải hoạt động ở môi trường khắc nghiệt, liên tục, gây biến dạng. Tuy nhiên, nếu không sử dụng phanh quá nhiều nhưng vẫn gặp hiện tượng này, có thể lí do sẽ đến từ bánh xe và hệ thống treo.